Thứ Hai, 6 tháng 1, 2020

Những thông tin bạn cần biết về bụi mịn PM 2.5 và PM 10

Bụi mịn là một vấn đề nhức nhối gây ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Việt Nam. Bản thân bạn và gia đình cần nắm rõ mọi thông tin về bụi mịn để có thể bảo vệ bản thân tốt nhất.
Tình trạng ô nhiễm không khí đang gia tăng liên tục tại Việt Nam. Đặc biệt, tình trạng này hiện ngày càng báo động ở các thành phố lớn. Trong nhiều ngày liên tiếp, người dân không thể phân biệt được sương mù và bụi. Nồng độ của bụi PM 2.5 và PM 10 luôn vượt ngưỡng nguy hại trong nhiều ngày. Chỉ số AQI tại các thành phố lớn cho thấy không khí không an toàn cho người dân. Do đó, bạn cần nắm bắt mọi thông tin cần thiết về bụi mịn để có thể bảo vệ bản thân kịp thời và hiệu quả.

Bụi mịn PM 2.5 và PM 10 là gì?

Kích thước bụi mịn PM 2.5 và PM 10
Trong không khí của chúng ta tồn tại rất nhiều chất gây ô nhiễm. Các chất này thường rất nhỏ và mắt thường không thể nhận biết. Trong đó, những thành phần phổ biến là bụi PM 2.5 và PM 10.
PM là hai chữ cái viết tắt của Particulate Matter. Cụm từ này chỉ các hạt có kích thước rất nhỏ trôi nổi trong không khí. Các hạt này có thể là bồ hóng, bụi, hơi nước, hay kim loại. Con số đi sau PM cho thấy kích thước tối đa của chúng:
  • PM 2.5 chỉ những hạt bụi có kích thước không vượt quá 2,5 micromet.
  • PM 10 chỉ những hạt bụi có kích thước không vượt quá 10 micromet.
Mỗi hạt bụi riêng lẻ chỉ có thể được nhìn rõ dưới kính hiển vi điện tử. Tuy nhiên, khi nồng độ bụi đạt ngưỡng quá cao, bạn sẽ nhận thấy thành phố như được bao phủ bởi một làn sương mù. Các yếu tố khác như gió, công trình xây dựng, đốt rác, đốt rơm rạ có thể làm tăng và làm lây lan bụi trong không khí trên diện rộng.

Bụi mịn PM 2.5 và PM 10 đến từ đâu?

Nguồn tạo bụi mịn PM 2.5 và PM 10
Có rất nhiều nguồn khác nhau tạo ra bụi. Thậm chí, có thể chính bản thân bạn cũng không ngờ rằng bụi mịn có thể bắt nguồn từ những hoạt động tưởng chừng như vô hại trong đời sống. Nguồn gây bụi có thể là từ tiên nhiên, hoặc có thể từ con người.
Các nguồn gây bụi phổ biến bao gồm:
  • Khí thải của phương tiện giao thông
  • Các khu công nghiệp
  • Các nhà máy nhiệt điện
  • Các công trường xây dựng
  • Bếp củi
  • Khu vực đốt rơm rạ
  • Hoạt động đun nấu (đặc biệt là chiên rán)
  • Khói thuốc lá
Bạn cần chú ý tới những nguồn gây bụi phổ biến mà bạn có thể kiểm soát. Ví dụ, bạn hãy hạn chế hoạt động chiên rán ở trong nhà. Hoặc, bạn hãy nói không với những quán xá cho phép khách hàng hút thuốc lá.

Bụi mịn nguy hiểm như thế nào với sức khỏe?

Tác hại của PM 2.5 và PM 10 lên sức khỏe
Các hạt bụi này có kích thước siêu nhỏ. Thậm chí, chúng nhỏ tới mức có thể được coi như phân tử không khí. Do kích thước quá nhỏ của mình, các hạt bụi này có thể len lỏi vào sâu trong cơ thể. Hạt bụi càng nhỏ thì càng có cơ hội cao xâm nhập vào hệ hô hấp. Tại phế nang, chúng có thể đi xuyên qua màng và đi vào máu.
Ban đầu, các tiếp xúc với bụi mịn ở nồng độ cao gây ra kích ứng cho cơ thể. Khi sự tiếp xúc diễn ra quá lâu, những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác có thể xuất hiện.
Các vấn đề sức khỏe cấp tính và mãn tính mà con người có thể gặp phải khi tiếp xúc với bụi PM 2.5 và PM 10 với nồng độ cao bao gồm:
  • Ho
  • Hắt hơi
  • Kích ứng ở mắt, mũi và họng
  • Co thắt ngực
  • Huyết áp cao
  • Đau tim
  • Đột quỵ
  • Ung thư

Những đối tượng dễ bị tổn thương do bụi mịn

Trẻ em dễ bị tổn thương do bụi mịn
Cộng đồng dân cư bao gồm rất nhiều đối tượng khác nhau. Các đối tượng này khác biệt về giới tính, tuổi, và tình trạng sức khỏe. Tùy vào đặc điểm mà mỗi người có mức nhạy cảm khác nhau đối với bụi mịn.
Các đối tượng sau đây cần đặc biệt cẩn thận khi tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm:
  • Trẻ em
  • Người cao tuổi
  • Phụ nữ có thai
  • Người có sẵn các vấn đề về phổi
  • Người có sẵn các vấn đề tim mạch

Quy định về ngưỡng an toàn của nồng độ bụi mịn trong không khí

Mỗi quốc gia trên thế giới đưa ra một ngưỡng an toàn nhất định cho nồng độ bụi trong không khí. Các ngưỡng này là khác nhau tùy vào địa điểm. Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quy định trong Thông tư số 32/2013/TT-BTNMT như sau:
  • PM 2.5 vượt quá 50 microgam trên 1 mét khối không khí được coi là gây hại
  • PM 10 vượt quá 150 microgam trên 1 mét khối không khí được coi là gây hại
Vào những ngày mà nồng độ bụi vượt quá ngưỡng cho phép, bạn nên hạn chế tối đa sự tiếp xúc của bản thân với môi trường không khí.

Cách theo dõi nồng độ bụi mịn hàng ngày

Có nhiều nguồn thông tin chính thống mà bạn có thể sử dụng để theo dõi nồng độ bụi mịn trong không khí. Bạn có thể tham khảo số liệu từ Cổng Thông tin Quan trắc Môi trường.
Trang web của Cổng Thông tin Quan trắc Môi trường (truy cập tại đây) được lập ra dưới sự quản lý của Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Bắc – Tổng cục Môi trường. Trên trang web có cập nhật tình trạng chất lượng không khí hàng ngày theo giờ. Các địa điểm được đặt trạm quan trắc bao gồm Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Thọ, Quảng Ninh và Thừa Thiên – Huế. Ngoài ra, trên trang web cũng thường xuyên cập nhật báo cáo về chất lượng không khí hàng tháng tại các địa bàn trên toàn quốc.

Biện pháp bảo vệ bản thân khỏi bụi mịn

Đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân khỏi bụi mịn
Sau khi cập nhật số liệu trên trang web, bạn hãy dựa vào kết quả để đưa ra biện pháp bảo vệ bản thân hiệu quả. Đặc biệt, bạn phải nâng cao cảnh giác trong những ngày lượng PM 2.5 và PM 10 trong không khí vượt quá ngưỡng an toàn.
Các biện pháp bảo vệ bản thân mà bạn nên thực hiện bao gồm:
  • Sử dụng khẩu trang khi ra ngoài đường
  • Không tập thể dục ngoài công viên
  • Không hút thuốc
  • Sử dụng máy lọc không khí
  • Chuyển chỗ ở nếu được

Kết luận

Như vậy, bạn đã biết tất cả những thông tin cơ bản nhất về bụi mịn. Bạn hãy ghi nhớ các ngưỡng an toàn của nồng độ PM 2.5 và PM 10 trong không khí. Ngoài ra, bạn hãy lưu lại địa chỉ trang web của Cổng thông tin Quan trắc Môi trường để kịp thời đưa ra biện pháp bảo vệ bản thân hiệu quả nhé!

Nguồn: O2 Facemask

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét